Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Phú sông Bạch Đằng

Phú sông Bạch Đằng
Trương Hán Siêu(?- 1354) tự là Thăng Phủ, người tỉnh Ninh Bình. Tác phẩm của ông hiện còn không nhiều, trong đó có bài phú sông Bạch Đằng. Những câu thơ trong đoạn trích sau đều thể hiện các bô lão khẳng định vai trò và sức mạnh của con người. Đồng thời thể hiện cảm xúc của các bô lão khi nhắc về những người anh hung thuở trước:
            
                  “ Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san.
                 …….
               Nhớ người xưa chừ lệ chan.”
           Mở đầu bô lão khẳng định vai trò và sức mạnh của con người:
               “ Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san.
                  Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
                  Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an
                  Hội nào bằng hội Mạnh Tân: như vương sư họ Lã
                  Trận nào bằng trận Duy Thủy: như quốc sĩ họ Hàn.
                  Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng
                  Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.”
Đoạn văn nhắc lại ý thức về chủ quyền độc lập của đất nước “ Từ có vũ trụ đã có giang san”. Điều này đã được khẳng định trong bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt. Một cõi sông núi nước Nam tồn tại độc lập bên cạnh các quốc gia phương Bắc, điều ấy đã được phân định rõ rang trong sách trời: “ Rành rành đã định tại sách trời”. Lời bình luận đã chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua: Trời cho ta thế hiểm “Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở”, nhưng điều quyết định là ta có “ nhân tài giữ cuộc điện an”. Tác giả sánh việc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mở hội quân ở bến Bình Than cũng giống như Lã Vọng, người đời Ân giúp vua Vũ Hội quân ở Mạnh Tân và diệt được vua Trụ tàn ác: giống như Hàn Tín, giúp Hán Cao Tổ đánh tan quân Tề ở Duy Thủy. So sánh như thế là nhằm khẳng định vai trò của con người. Trong cuộc giao tranh với giặc Mông- Nguyên, ta có nhiều tướng vừa giỏi chiến trận vừa mưu lược. Nguồn cội của chiến thắng to lớn ở Bạch Đằng chính là do tài trí sáng suốt của người lãnh đạo. Sự thật là sau hai lần thất bại, giặc Mông – Nguyên lại kéo sang xâm lược nước ta lần ba vào năm 1287. Vua Trần Nhân Tông hỏi Trần Quốc Tuấn: “Giặc đến thì làm thế nào?” . Hưng Đạo Đại Vương tâu: “Năm nay, giặc đến dễ đánh”. Cách nhìn nhận như thế không phải là thái độ chủ quan mà dựa trên tài thao lược và niềm tin vào sức mạnh toàn dân cùng kinh nghiệm trải qua hai cuộc kháng chiến trước đây. Theo binh pháp cổ, muốn thắng trong chiến tranh cần ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bài phú cũng nói tới ba yếu tố: thiên thời (“trời cũng chiều người”), địa lợi (“trời đất cho nơi hiểm trở”), và nhân hòa (“nhân tài”). Trong đó, trời đất hiểm trở giữ vai trò quan trọng nhưng chính con người mới là chủ thể trong sự nghiệp giữ nước. Giọng văn hào sảng, dõng dạc, hình ảnh mượn từ chuyện xưa đã khẳng định sức mạnh, vị trí con người. Đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc.
Cảm xúc của các bô lão khi nhắc về những người anh hung thuở trước:
                   “Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn.
                    Đến bên sông chừ hổ mặt
                    Nhớ người xưa chừ lệ chan”.
Tác giả tự hào khẳng định tiếng thơm về những con người làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc thì “bia miệng không mòn” muôn đời. Nhân dân biết ơn và nhớ mãi công lao to lớn đó. Soi mình vào những chiến công vĩ đại của người đi trước mà Trương Hán Siêu “hổ mặt” với người xưa, nghĩa là ông “thẹn” với người xưa. “Thẹn” để phấn đấu mình hơn nữa. Đó là “nỗi thẹn” của những con người có nhân cách lớn. Như Phạm Ngũ Lão “thẹn” với Vũ Hầu:
                    “Công danh nam tử còn vương nợ
                     Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.”
Cảm xúc của tác giả đi từ tự hào đến “hổ thẹn” rồi nhớ thương người xưa đến rơi lệ. Từng đợt cảm xúc như những đợt sóng lớn trên dòng Bạch Đằng, cuộn cuộn trào dâng đến nghẹn lời.

            Đoạn văn gợi nhắc lại nhiều sự việc, hình ảnh và câu nói đã lưu cùng sử sách. Qua đó khẳng định vai trò quyết định của con người trong lịch sử. Lời văn vừa mang niềm tự hào dân tộc, vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp. “Phú sông Bạch Đằng” là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học Việt Nam thời trung đại: cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí, ngôn từ vừa trang trọng, hào sảng, vừa lắng đọng, gợi cảm.

Cảm ơn các bạn đã xem
Tập thể A8 hân hạnh tài trợ bài này ^^!!

Không có nhận xét nào: